Kính gửi: Quý Ông/Bà.
Vấn đề quý Ông/Bà hỏi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xin thông báo kết quả như sau:
1. Về hiệu lực thi hành của Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ:
- Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn ban hành ngày 05/8/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 19/9/2016 và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tuyển dụng và quản lý nhân viên thú y xã.
- Nghị định số 35/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y được ban hành ngày 15/5/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 và áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động thú y tại Việt Nam.
Như vậy, cả Nghị định số 35/2016/NĐ-CP và Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT đã áp dụng cho tỉnh Thừa Thiên Huế từ thời điểm các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.
2. Về tiêu chuẩn Nhân viên thú y xã:
Điều 3 Thông tư 29/2016/TT-BNNPTNT quy định về Tiêu chuẩn đối với nhân viên thú y xã như sau:
1. Trình độ đào tạo
a) Có trình độ trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành về: Thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản;
b) Có trình độ sơ cấp trở lên một trong các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản này đối với địa bàn cấp xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hiểu biết và chấp hành các quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan;
b) Nắm bắt và đánh giá được tình hình phát triển chăn nuôi động vật, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn quản lý;
c) Có kiến thức nhận biết dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý;
d) Có năng lực tham mưu, tổ chức, thực hiện công tác thú y; đ) Có kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện quy định pháp luật về thú y;
e) Có ý thức trách nhiệm, tinh thần học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao;
g) Hằng năm, được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
3. Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
4. Bảo đảm độ tuổi làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Ngày 16/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND về bố trí và quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên Thú y trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có hiệu lực từ ngày 26/7/2021; Công văn số 8276/UBND-TC ngày 09/9/2021của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về bố trí và quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên thú y trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó, việc ban hành Quyết định bố trí Nhân viên thú y xã thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã trên cơ sở có sự thống nhất ý kiến của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện theo các tiêu chuẩn nêu trên. Mặt khác, Ủy ban Nhân dân cấp xã là cơ quan trực tiếp quản lý nhân viên thú y trên địa bàn cấp xã.
Trong thời gian qua, một số Ủy ban nhân dân cấp xã (thuộc khu vực đồng bằng) đã tạm thời bố trí nhân viên thú y chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo để kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở và sẽ bố trí nhân viên thú y đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định khi tìm được người phù hợp. Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn rà soát, bố trí Nhân viên thú y xã đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.
3. Về điều kiện hành nghề
Điều 21 Nghị định số 35/2016/NĐ-CP quy định Điều kiện hành nghề thú y như sau:
Tổ chức, cá nhân hành nghề thú y phải có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 108 của Luật thú y và phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn như sau:
1. Người hành nghề chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thuỷ sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thuỷ sản. Người hành nghề tiêm phòng cho động vật phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo về kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh cấp.
Qua kiểm tra, rà soát Nhân viên thú y xã (đã được UBND cấp xã ban hành quyết định bố trí) tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Huế đều đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp chứng chỉ hành nghề thú y theo quy định.
Chân thành cảm ơn quý Ông/Bà.
Trân trọng./.