Kính gửi: Quý Ông/Bà.
Vấn đề quý Ồng/Bà hỏi, Sở Khoa học và Công nghệ xin trả lời như sau:
Căn cứ Quyết định số 19/QĐ-SKHCN ngày 26/01/2024 của Sở KH&CN về việc Ban hành Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý “Huế” cho sản phẩm Hoàng Mai của tỉnh Thừa Thiên Huế (Quy chế) thì việc ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Huế và các tiêu chí để được ghi nhận được quy định cụ thể như sau:
1. Tiêu chí để được sử dụng chỉ dẫn địa lý tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy chế gồm:
“Điều 5. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
-
Tên sản phẩm: Hoàng mai (mai vàng)
-
Tính chất đặc thù của sản phẩm
Hoàng mai Huế nêu tại Khoản 1 Điều này các đặc thù: Lộc xanh, cành lộc (dăm chi) dày; Hoa có cuống ngắn, 05 cánh hoa màu vàng đậm, viền cánh lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau và có mùi thơm dịu nhẹ
đặc trưng.
3. Nguồn gốc sản phẩm: Được trồng, chăm sóc, tạo tác trong khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý và bởi các tổ chức, cá nhân là hội viên của Hội Hoàng mai Huế và được Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tại Danh sách các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.
Điều 6. Khu vực sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
Khu vực sản xuất Hoàng mai Huế mang chỉ dẫn địa lý là khu vực đã được ghi nhận theo Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế bao gồm: Thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện A Lưới, huyện Nam Đông, huyện Phong Điền, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 7. Phương pháp sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý
-
Giống: Giống cây Hoàng mai thuần chủng. Nhân giống bằng hạt tại khu vực địa lý.
-
Phương pháp trồng:
- Trồng trong vườn hoặc trồng trong chậu. Không trồng gần các giống mai khác.
- Với cách trồng trong chậu, đất trồng được phối trộn theo tỉ lệ khoảng: 20% đất vườn, 30% cát, 30% giá thể trấu, xơ dừa, hoặc vỏ đậu phộng và 20% phân bò khô ủ kỹ, đập nhỏ hoặc phân hữu cơ cùng một ít vôi. Đất được trộn và ủ trong khoảng từ 06 tháng - 01 năm, tới mùa nắng đem phơi khô, đập tơi đất.
-
Chăm sóc
- Cắt tỉa: Chỉ cắt tỉa các cành yếu, cành vươn dài, cành khô, cành bị che khuất, và “chồi điếc” để giữ dáng thế đã tạo.
- Bón phân: Chỉ sử dụng phân hữu cơ. Bón phân hàng năm. Thời gian bón phân: Lần 1 vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch với phân hữu cơ có hàm lượng đạm cao; Lần 2 khoảng tháng 6 - 7 âm lịch với phân hữu có có hàm lượng lượng lân cao; Lần 3 khoảng tháng 9-10 âm lịch với phân hữu cơ có hàm lượng kali cao.
- Điều tiết nở hoa: Tiến hành tuốt/vặt toàn bộ lá trong 01- 03 ngày vào thời điểm từ 30 đến 45 ngày trước Tết âm lịch tùy theo quan sát thời tiết (nắng mưa, ấm, lạnh).
-
Quy cách xuất xưởng
Từ năm thứ 5, xuất xưởng cây Hoàng mai, không bị sâu bệnh. Không xuất xưởng cành Hoàng mai.”
2. Trình tự, thủ tục để được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 8, Điều 9 của Quy chế gồm:
“Điều 8. Ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý
Tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm Hoàng mai Huế đáp ứng các tiêu chí tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7 của Quy chế này, có đơn yêu cầu Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý đều được ghi danh vào Danh sách các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.
Điều 9. Trình tự, thủ tục ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý
-
Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý
a. Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất Hoàng mai Huế bao gồm:
-
Đơn yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý (theo mẫu tại Phụ lục 02 của Quy chế có bao gồm kê khai cụ thể về nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đảm bảo sản phẩm được sản xuất tại khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế);
-
Bản sao (không chứng thực) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu là Hộ kinh doanh cá thể, Doanh nghiệp, Hợp tác xã hoặc tổ chức khác có tư cách pháp nhân;
-
Bản sao (không chứng thực) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân (nếu có).
b. Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân chuyên kinh doanh Hoàng mai Huế bao gồm:
-
Đơn yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý (theo mẫu tại Phụ lục 02 của Quy chế có bao gồm kê khai cụ thể về nguồn gốc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, đảm bảo sản phẩm được sản xuất tại khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế);
-
Bản sao (không chứng thực) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu là Hộ kinh doanh cá thể, Doanh nghiệp, Hợp tác xã hoặc tổ chức khác có tư cách pháp nhân;
-
Bản sao (không chứng thực) Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân (nếu có);
-
Giấy tờ chứng minh hoạt động mua bán Hoàng mai từ tổ chức, cá nhân sản xuất Hoàng mai Huế đã được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý (bản sao ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân bán Hoàng mai; Bảng kê thu mua Hoàng mai Huế theo mẫu tại Phụ lục 03 của Quy chế).
-
Trình tự ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý
Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức, cá nhân yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế theo trình tự sau trong thời gian tối đa không quá 22 ngày làm việc:
-
Các hội viên Hội Hoàng mai Huế thông qua Chi hội Hoàng mai nơi hội viên sinh hoạt, gửi Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế tới Hội Hoàng mai Huế; Các chi Hội Hoàng mai Huế có trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp hồ sơ và gửi đến Hội Hoàng mai Huế.
-
Hội Hoàng mai Huế có trách nhiệm hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế của các hội viên từ các chi hội. Hội Hoàng mai Huế, sau đó, tiến hành kiểm tra và xác nhận tính xác thực của hồ sơ, lập danh sách, chuyển toàn bộ hồ sơ tiếp nhận cùng báo cáo tình trạng Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế của các hội viên đến Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Sở KH&CN.
-
Trong vòng tối đa 10 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hội viên từ Hội Hoàng mai Huế, phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo có trách nhiệm đánh giá tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ và tham mưu cho Sở KH&CN ra Thông báo ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế hoặc văn bản thông báo không ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế tới các tổ chức, cá nhân không đáp ứng yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý (trong đó nêu rõ lý do không ghi nhận); Các tổ chức, cá nhân được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ được ghi danh vào Danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.
-
Trong trường hợp cần thiết để kiểm tra tính xác thực của thông tin nêu tại Hồ sơ, Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo phối hợp cùng Hội Hoàng mai Huế tiến hành kiểm tra thực địa, đánh giá cảm quan sản phẩm Hoàng mai Huế của tổ chức, cá nhân yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý để đảm bảo việc tuân thủ bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm. Các trường hợp phải tổ chức kiểm tra thực địa, thì thời hạn để Sở KH&CN ra Thông báo về việc ghi nhận hoặc không ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ tối đa là 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hội viên từ Hội Hoàng mai Huế.
-
Trường hợp hồ sơ cần phải chỉnh sửa, bổ sung, trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Quản lý công nghệ và Đổi mới sáng tạo hướng dẫn trực tiếp hoặc có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung đối với tổ chức, cá nhân yêu cầu ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.”
Chân thành cảm ơn quý Ông/Bà.
Trân trọng./.