Kính chào Ông/Bà.
Vấn đề Ông/Bà phản ánh, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an thành phố Huế kiểm tra xác minh, nghiên cứu xin trao đổi như sau:
- Căn cứ tại Điểm d Khoản 2 Điều 18 Luật giao thông đường bộ quy định: Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải “Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết”.
- Căn cứ tại Khoản 6 Điều 3 Luật giao thông đường bộ quy định: Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại.
Như vậy, khi phương tiện dừng, đỗ trên đường, người điều khiển phương tiện cần báo hiệu để cho người tham gia giao thông khác biết, trường hợp đặt biển cảnh báo nguy hiểm thì sử dụng biển W.247 “Chú ý xe đỗ” (Quy chuẩn 41:2019/BGTVT) với ý nghĩa:
+ Để cảnh báo có các loại xe ô tô, máy kéo, rơ – mooc hoặc sơ-mi rơ-mooc được kéo bởi xe ô tô hoặc ô tô đầu kéo, xe máy chuyên dùng đang đỗ chiếm một phần đường xe chạy, đặt trên mặt đường biển số W.247 “Chú ý xe đỗ”, biển được đặt cách xe phía trước và phía sau xe (theo chiều đi) 5 m;
+ Đối với đường một chiều, chỉ đặt một biển sau xe (hoặc đoàn xe) đỗ.
+ Đối với đoàn xe gồm nhiều xe cùng đỗ, chỉ đặt biển này ở phía trước xe đầu và sau xe cuối đoàn xe trên đường hai làn xe;
+ Biển đặt trực tiếp trên mặt đường;
Tuy nhiên, tại Khoản 5 Điều 34 tại Quy chuẩn 41.2019/BGTVT quy định: “Hạn chế sử dụng biển báo nguy hiểm và cảnh báo tràn lan nếu các tính chất không thực sự nguy hiểm cho người tham gia giao thông”. Do đó, đối với các phương tiện được dừng đỗ sát với lề đường, mép đường bên phải, không có dấu hiệu gây cản trở, ùn tắc giao thông hay tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (như hình ảnh minh họa do người dân cung cấp), Công an thành phố Huế không yêu cầu phải bố trí biển cảnh báo báo nguy hiểm như trên, tránh gây phiền hà cho người dân cũng như phù hợp với cảnh quan đô thị và thiết kế đô thị (trường hợp mỗi biển báo trước và sau cách xe 5 m sẽ khiến quỹ đất dành cho hoạt động dừng đỗ bị thu hẹp).
Bên cạnh đó, đối với các phương tiện dừng đỗ không sát với lề đường, mép đường, dừng đỗ giữa lòng đường, trên vỉa hè, giữa giao lộ, trên cầu,… vì lí do khách quan (phương tiện bất ngờ hư hỏng; quá trình lưu thông có chướng ngại vật trước mặt cần tạm thời dừng đỗ;…) mà không có biển cảnh báo như trên hoặc một số đồ vật nhằm cảnh báo người dân khác, gây cản trở giao thông, Công an thành phố Huế sẽ xem xét đấy là hành vi vi phạm để tiến hành xử phạt.
Công an tỉnh chân thành cảm ơn phản ánh của quý Ông/Bà và mong tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng.