Kính chào Ông/Bà.
Vấn đề Ông/Bà phản ánh, Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra và trả lời như sau:
Hiện nay, các khoản đóng góp chủ yếu phân thành 02 nhóm là những quỹ tự nguyện đóng và quỹ bắt buộc đóng, gồm:
1- Những quỹ tự nguyện đóng
+ Quỹ đền ơn đáp nghĩa;
+ Quỹ bảo trợ trẻ em;
+ Quỹ xóa đói giảm nghèo;
+ Quỹ xã hội - từ thiện;
+ Quỹ khuyến học;
+ Quỹ chăm sóc người cao tuổi;
+ Quỹ vì người nghèo;
+ Quỹ phòng chống ma tuý;
+ Quỹ đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng
. …
Đây là các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo hoạt động theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Về nguyên tắc các khoản đóng góp cho các quỹ này trên tinh thần tự nguyện, không mang tính bắt buộc, tùy theo quy mô, phạm vi hoạt động của quỹ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp giấy phép hoạt động.
Trong những năm qua, việc vận động đóng góp Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp của chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Từ nguồn huy động này kết hợp với các nguồn hỗ trợ khác đã giúp đỡ được cho hàng ngàn hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở; thăm hỏi, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học tập cho thân nhân người có công, gia đình chính sách …
Những hoạt động trên đã phát huy được tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Do đó, địa phương rất mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh cho các Quỹ trên.
2- Quỹ bắt buộc đóng
Hiện chỉ có một quỹ bắt buộc đóng là Quỹ phòng chống thiên tai được quy định tại Nghị định 94/20114/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhằm hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai; được thành lập trên cơ sở tại Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nguồn thu của quỹ là khoản đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên (Khoản 2 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai); mức đóng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp được pháp luật quy định miễn, giảm, không phải đóng góp để giữ lại một khoản tiền trang trải cuộc sống hàng ngày; cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 94/2014/NĐ-CP và khoản 2 Điều 1 Nghị định 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ, gồm:
- Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ;
- Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;
- Sinh viên, học sinh đang học tập trung dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng, trung học, dạy nghề;
- Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên;
- Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng/năm trở lên;
- Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn; thành viên thuộc hộ gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản nêu trên (nếu có);
- Hợp tác xã không có nguồn thu;
- Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị; phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày trở lên.
Do đó, trong trường hợp công dân thuộc các đối tượng được miễn trừ đóng góp theo quy định nêu trên thì thông tin với chính quyền địa phương nơi cư trú để được đề nghị miễn nộp khoản đóng góp này.
Sở Tài chính chân thành cảm ơn phản ánh của quý Ông/Bà và mong tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng.