Kính chào Ông/Bà.
Về ý kiến góp ý của quý Ông/Bà, UBND thị xã Hương Trà đã chỉ đạo Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp UBND xã Hương Phong tiến hành kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất, kết quả trả lời như sau:
Rừng ngập mặn Rú Chá hay còn gọi là rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế - là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang.
Thực hiện Dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2015 đến nay tại xã Hương Phong đã trồng được 19,36 ha rừng trồng thuần loại cây Đước đôi, cây Bần chua, cây Dừa nước. Đặc biệt là phát triển mô hình du lịch sinh thái trên đầm phá Tam Giang ở khu vực Hương Phong đã mở rộng diện tích của Rú Chá từ 3,14 ha lên gần 20 ha. Ngoài ra Quỹ Quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) cũng đã tài trợ cho xã Hương Phong tiến hành ươm thành công 16.000 cây các loại như: Đước vòi, Vẹt khang, Sú, Bần, Mắm; trong đó có 11.000 cây phát triển thêm diện tích Rú Chá.
Căn cứ Quyết định số 1637/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 21/8/2015 có 4 loại cây được phê duyệt tiêu chuẩn và đơn giá cây giống trồng rừng ngập mặn áp dụng trên địa bàn Thừa Thiên Huế là cây Đước, cây Vẹt, cây Trang, cây Bần.
Việc nhân giống cây Chá để phát triển vùng Rú Chá nhằm tạo cảnh quan du lịch sinh thái đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng dân cư địa phương quan tâm. Tuy nhiên do đặc điểm của cây Chá trồng khó sống, phát triển chậm và hạt khó nhân giống do vậy việc mở rộng diện tích cây Chá tại Rú Chá đang gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới UBND thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương nghiên cứu việc nhân giống cây Chá, đồng thời tuyên truyền vận động khuyến khích người dân trồng, nhân giống cây Chá nhằm bảo tồn và phát triển vùng Rú Chá.
UBND thị xã chân thành cảm ơn góp ý của quý Ông/Bà và mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, phản ánh trong thời gian tới.
Trân trọng.