Kính gửi: Quý Ông/Bà.
Vấn đề quý Ông/Bà hỏi, Công an thành phố Huế xin thông báo kết quả như sau:
1. Về đăng ký cư trú cho người chưa thành niên
- Tại khoản 2 Điều 12 Luật Cư trú quy định: “Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
- Tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú quy định điều kiện đăng ký thường trú: Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
“…
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ”.
- Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 154/2024/NĐ-CP ngày 26/11/2024 quy định: Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
- Tại mục chú thích (5) mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA ngày 17/11/2023, quy định:
“(5) Áp dụng đối với trường hợp người chưa thành niên, người hạn chế hành vi dân sự, người không đủ năng lực hành vi dân sự có thay đổi thông tin về cư trú. Việc lấy ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thực hiện theo các phương thức sau:
a) Cha, mẹ hoặc người giám hộ ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai.
b) Cha, mẹ hoặc người giám hộ xác nhận nội dung đồng ý thông qua ứng dụng VNeID hoặc các dịch vụ công trực tuyến khác.
c) Cha, mẹ hoặc người giám hộ có văn bản riêng ghi rõ nội dung đồng ý (văn bản này không phải công chứng, chứng thực)”.
Như vậy trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú về ở với bà nội ngoài đảm bảo các điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, thì phải được sự đồng ý của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ. Việc lấy ý kiến của cha, mẹ hoặc người giám hộ được thực hiện theo các phương thức quy định tại mục chú thích (5) mẫu Tờ khai thay đổi thông tin cư trú ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA ngày 17/11/2023.
2. Về việc xử phạt vi phạm hành chính
- Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 154/2024/NĐ-CP ngày 26/11/2024 của Chính phủ quy định: “Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên…”.
- Tại các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 154/2024/NĐ-CP ngày 26/11/2024, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp đăng ký cư trú lần đầu cho người chưa thành niên áp dụng đối với những trường hợp sau:
+ Người chưa thành niên đã được giải quyết đăng ký khai sinh trước ngày Nghị định số 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/01/2025) và thực hiện đăng ký cư trú lần đầu sau 60 ngày kể từ ngày 10/01/2025.
+ Người chưa thành niên được giải quyết đăng ký khai sinh từ ngày 10/01/2025 trở về sau và thực hiện đăng ký cư trú lần đầu sau 60 ngày kể từ ngày đăng ký khai sinh.
Như vậy đối với người chưa thành niên đã được giải quyết đăng ký khai sinh trước ngày Nghị định số 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 10/01/2025), việc xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú lần đầu sau 60 ngày kể từ ngày 10/01/2025. Việc xử phạt vi phạm hành chính được áp dụngtheo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Chân thành cảm ơn quý Ông/Bà.
Trân trọng.